Học tiếng Anh giao tiếp với phương pháp Effortless English giúp hàng triệu người nói tiếng Anh trôi chảy

Ad 468 X 60

Widgets

Cách Học Tiếng Anh Chuyên Ngành Y Khoa Hiệu Quả



Tiếng Anh chuyên ngành luôn là nỗi ám ảnh đối với những bạn đang học chuyên ngành y khoa. Bài viết dưới đây sẽ cho bạn biết cách học tiếng Anh chuyên ngành y khoa hiệu quả.


      CÁCH HỌC TIẾNG ANH CHUYÊN NGÀNH Y KHOA HIỆU QUẢ
Học thuật ngữ tiếng Anh chuyên ngành y khoa không đủ chưa?
Câu trả lời là không đủ, và không thể nào chỉ học terminology mà đọc sách ngay được hỏi các em sinh viên năm 2 thi NNCN được 8 hay 9 trở lên, xem các em vận dụng được bao nhiêu % trong việc đọc tài liệu thì biết ngay. Để đọc được những tài liệu academic thì phải bắt đầu bằng những tài liệu thông thường trước. Tìm hiểu một cơ quan bạn nên học terminology, đọc 1 bài ngắn chun chủn thôi về anatomy, một tí tẹo về physiology, kiếm một chút xíu về bệnh nào đó bạn biết có liên quan tới hệ cơ quan đó, có cái trường hợp lâm sàng nào liên quan nó đọc được thì hay biết bao. Ờ…mới bắt đầu thì nhiêu đó thui!!!
Nâng cấp trình độ đọc tài liệu y khoa của bạn lên bằng cách…đọc đi đọc lại nhiều lần.
Thể hiện sự quyết tâm của bạn bằng cách cố gắng mỗi khoa đi qua nên đọc lấy 1 và chỉ 1 bài duy nhất về cái bệnh bạn dễ học nhất trong vô số bệnh lí của khoa bạn đang học. Đọc xong để đấy, dành quỹ thời gian của bạn để mà “gạo bài” trên lớp! Qua khoa khác bạn làm tương tự như vậy. Vốn từ vựng của bạn tăng từng ngày mà sau một qúa trình dài bạn mới có thể nhận ra được.
Mình hay nói đùa với các học viên trong lớp không được ganh tị với mình, để đạt được trình độ đọc dịch tốt thì mình mất gần chục năm, còn mới bắt đầu nên follow những điều căn bản và kiên trì. Mà chung quy lại là kiên trì thế thôi!
Tiếng Anh giao tiếp chuyên ngành y khoa?
Cho mình hỏi các bạn, giao tiếp thông thường tốt chưa mà giao tiếp với bệnh nhân? Giao tiếp tốt thì giao tiếp y khoa hiển nhiên không kém, chỉ là nhớ từ vựng về bệnh và triệu chứng là giao tiếp tốt thôi.
Học tiếng Anh giao tiếp môi trường y khoa ở đâu?
Đối với các bạn trong HCM, thấy các sinh viên nước ngoài hay thực tập tại các bệnh viện lớn thì nhào ngay vào nhé, đó là các “ông thầy” miễn phí đấy bạn àh. Bạn cứ tự tin giao tiếp đi, gặp gỡ nói chuyện làm quen và mời học đi khám lâm sàng chung với bạn, trao đổi, thảo luận với họ và bạn đang học giao tiếp y khoa đấy!
Ngày xưa mình thấy sinh viên y nước ngoài là sáp vào ngay, SV nước ngoài qua VN thường bị bơ vơ, đi trong khoa không có ai hướng dẫn rất tội nên được các sinh viên trong nước tới bắt chuyện làm quen là thích lắm. Bạn dẫn họ đi khám, họ hỏi bạn về triệu chứng thì bạn hỏi lại bệnh nhân, sau đó bạn tìm cách dịch lại cho họ thì chính là bạn đang học giao tiếp. Các tình huống giao tiếp ấy thực sự là tình huống giao tiếp hàng ngày trong y khoa.
Rất nhiều bạn muốn giao tiếp tốt nhưng lại không đầu tư giao tiếp căn bản và thiếu tự tin giao tiếp thông thường thì cũng chịu!
Túm tắt lại là các bạn nên quan tâm đúng mực tới môn ngoại ngữ vì nó sẽ là một trong những chìa khóa thành công cho bạn đấy!
Theo kinh nghiệm từ rất nhiều người đi trước để lại, các bạn không thể học tiếng Anh chuyên ngành y khoa hiệu quả là do các bạn chưa nhận thức được tầm quan trọng của Tiếng Anh trong ngành Y, và cũng vì các bạn có rất nhiều lý do để chống chế.

Hãy luôn nhớ các điều dưới đây!!!!!!!!!!
1 – Tiếng Anh hiện giờ vẫn là quan trọng bậc đầu.
Bạn giỏi bạn có thể học nhiều thứ tiếng khác, nhưng bắc buộc phải sử dụng tốt tiếng Anh. Vấn đề này không cần bàn nhiều, toàn bộ sách vở hiện thời mà các bạn có thì ngoài được viết bằng tiếng Việt cập nhập và biên dịch không kịp theo thời đại, tiếng Anh là phương tiện ngắn nhất và nhanh nhất để các bạn tiếp cận nền y học hiện đại trên thế giới.
2 – Khuyết điểm của bạn không phải là chỗ để bạn đổ lỗi bạn không thể giỏi tiếng Anh được.
Bạn phải làm được. Có nhiều học viên của lớp mình đến từ miền Trung, giọng Quảng Ngãi đặc biệt phát âm rất khó nghe và cũng vì vậy các bạn ngại nói. Hãy ngững suy nghĩ đó lại, hãy đừng sợ là mình phát âm sai người khác sẽ cười. Sai nên mới phải đi học, không đúng thì học để nói cho đúng. Riêng bản thân mình đã học, tự học, và tự rèn luyện kể cả tiếng Việt và tiếng Anh. Có thời gian luyện tiếng Pháp đến điên cuồng, nhưng tạm gác một bên để lo cho xong tiếng Anh.
3 – Không có đủ tiền để đi học.
Nếu bạn nghĩ vậy thì bạn lại đổ lỗi cho số phận rồi. Các bạn biết ngày xưa còn sinh viên mình mơ ước điều gì không? Mình mơ ước ba mẹ mình có đủ tiền để mình được đi học tại các trung tâm VUS, ILA này nọ…Và thực tế thì sau giờ học mình làm bảo vệ cho công ty và ăn ngủ tại đó. Tiền ít mình dành giụm học ở trung tâm nhỏ, lâu lâu trúng số Vietlot mình đăng ký khóa dài hạn 06 tháng ở trung tâm khá hơn xíu vì lí do đăng ký dài được giảm học phí^^. Rất bận nhưng vẫn phải học, không toàn tâm được thì học theo kiểu duy trì. Lúc hết tiền thì ở nhà Youtube này nọ. Mình mê các bài phát biểu của Obama, từ khóa lúc ấy dùng để nghe là “obama speech”. Ngày xưa mạng mẽo chưa phát triển nhiều, facebook chỉ dùng để giải trí. Nay thì khác rồi, mạng phát triển như vũ bão, và facebook thì được dùng để giết thời gian! May quá, trên facebook ngày nay chia sẻ của cộng đồng ielts rất nhiều, sách không thiếu, băng đĩa không thiếu, chịu khó học thì youtube rất nhiều. Hãy biết cách giết thời gian một cách có ý nghĩa. Chỉ sợ bạn không học. Vậy thì đừng đổ lỗi cho học Anh văn tốn kém bạn nhé.
4 – Không có thời gian.
Đúng rồi, bạn bận đi học bạn không có thời gian, để giành ra trường rồi hẵn học chắc còn kịp. Suy nghĩ vậy là sai lầm bạn nhé. Bạn học gì? Học y mà, bận là đúng rồi. Tiếng Anh để làm gì? Để phụ giúp việc học của bạn, vậy đừng than không có thời gian, mà xem nó là môn học bắt buộc và xuyên xuốt quá trình học tập của bản thân. Nhiều bạn còn dành hẳn ra 1 ngày 30 phút đến 1 giờ để học ngoại ngữ. Bạn đã thử chưa? Các anh chị trước đây cũng suy nghĩ như bạn, nhưng đến khi ra trường thì bao nhiêu là việc đổ ập xuống đầu không có thời gian luyện ngoại ngữ. Nên bạn hãy thay đổi suy nghĩ lại, nên học ngay khi bạn nhận ra nó quan trọng như thế nào. Nói ngắn gọn là nên học ngay giờ!
5 – Giao tiếp và giao tiếp y khoa thực chất chỉ là một.
Mặc dù dạy AV chuyên ngành y, nhưng mình không khuyến khích các bạn học giao tiếp y khoa. Theo mình cần gì phải học giao tiếp y khoa khi mà giao tiếp thường ngày không khá? Bạn hãy đăng kí lớp giao tiếp đi, học ở trung tâm nào cũng được. Muốn nhanh lên level thì chỉ đăng kí lớp chuyên giao tiếp, lớp kỹ năng và sinh hoạt câu lạc bộ. Thậm chí có thể đến nhà văn hóa Thanh niên vừa học giao tiếp vừa thả thính. Chỉ cần bạn khác hỏi bạn “Which university are you in? Where is it?”, bạn lắp bắp một hồi mới trả lời xong là tự nhiên thấy cần phải học giao tiếp ngay. Giao tiếp y khoa là một phạm trù khác rất riêng. Trong giao tiếp y khoa cần có kiến thức chuyên môn, có kỹ năng giao tiếp (kỹ năng hỏi các loại câu hỏi đóng – mở, kỹ năng biểu hiện sự đồng cảm và trấn an…). Bạn giao tiếp thường tốt đi, bạn học tiếng anh chuyên ngành cái ngành bạn theo đuổi okie đi, rồi tự nhiên bạn sẽ kết hợp được hai cái trên lại thành cái gọi là giao tiếp y khoa. Còn nếu bạn học theo kiểu câu máy móc và học thuộc, đứng trước bệnh nhân (tương tự như trước examiner trong các kì thi) thì bạn cũng fail thôi. Hai thứ, kiến thức chuyên môn và kỹ năng giao tiếp là quan trọng.
6 – Đến khi cần đọc tài liệu, đừng đọc theo kiểu hiểu đại khái.
Hai kỹ năng skimming và scanning rất quan trọng khi đọc và học bạn không cần đọc hết toàn bộ tài liệu vì sẽ không đủ thời gian, nhưng đến chỗ quan trọng thì cần đọc đúng và đọc chuẩn. Đúng ở đây là đúng ngữ pháp, mọi người thường hay phớt lờ ngữ pháp, rồi từ đó sai nghĩa luôn cả câu. Thứ hai là chuẩn về ngữ nghĩa, các bạn gặp khó khăn trong việc hiểu nghĩa một đoạn văn do nhiều vấn đề: 1- không nắm kiến thức y khoa thuộc lĩnh vực đó. Không ai giỏi tất cả mọi thứ, mình cũng vậy, gặp rất nhiều khó khăn khi dịch một tài liệu ngoài chuyên ngành. Có đêm mình chỉ lục sách tiếng việt, đọc trên internet bằng tiếng việt đủ thể loại. Khi hiểu nó rồi thì tài liệu dịch viết sẽ rất nhanh chóng. Đó là thói quen tốt. Không nắm kiến thức thì đọc dịch khó mà giỏi nổi. 2 – Dịch thoát ý. Nhiều bạn ưa dịch thoát ý cho nó sang. Okie sang, nhưng khi hỏi lại vì sao dịch được vậy là không trả lời được, cái bạn không phải là dịch thoát ý mà không biết cách dịch cho đúng ý, nhiều câu văn dịch nguyên si là đúng ý mà còn hay hơn thoát ý. Mình hay đùa các bạn ý là dịch “thoát y” mất rồi! Việc dịch thoát ý là một trình độ làm bóng bẩy câu văn của những người quá hiểu nó, cả nghĩa nguyên bản và nghĩa dịch sáng nghĩa. Bạn chưa đạt được trình độ cơ bản, thì tốt hết nên bắt đầu đọc dịch một cách căn bản, có thể căn bản đến mức cùi bắp nhất là gạch chân đâu là chủ ngữ/động từ chính/danh từ/tính từ rồi ghép lại cũng được. Xong bước này đi, đọc câu ngắn đi, rồi đọc các câu phức đi…đến một ngày bạn sẽ không cần dịch thoát ý nữa vẫn sang và hay như thường!
Những chia sẻ trên đây hy vọng giúp cho các bạn lên lại dây cót cho bản thân, chỉnh đốn lại cách học tiếng Anh chuyên ngành y khoa hiệu quả và nhắc lại các bạn là đây là những chia sẻ riêng, không một cách quy chuẩn, không một định nghĩa nào là chung cho mọi người. Chúng ta chỉ chung một đích đến: Chinh phục tiếng Anh chuyên ngành y khoa hiệu quả!
Nguồn
Bs Nguyễn Thái Duy
Anh Văn Y Khoa – Dr Duy


SHARE THIS POST   

  • Facebook
  • Twitter
  • Myspace
  • Google Buzz
  • Reddit
  • Stumnleupon
  • Delicious
  • Digg
  • Technorati

0 nhận xét: